Trái tim người cha và hành trình vượt lên số phận của người đàn ông 10 năm ngồi xe lăn

Trái tim người cha và hành trình vượt lên số phận của người đàn ông 10 năm ngồi xe lăn

Anh Đinh Văn Tính, 35 tuổi, quê ở xóm Hang Đá, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã 10 năm ngồi xe lăn sau một tai nạn lao động. Đó là một hành trình dài với nhiều nỗi đau, sự tuyệt vọng nhưng chắc chắn niềm tin là thứ tỏa sáng nhất trong trái tim người cha khuyết tật này!

Tôi tìm gặp anh vào một chiều tháng 6, trong cái tiết trời oi ả, khó chịu của vùng núi cằn cỗi, khắc nghiệt tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Từ đầu làng cuối xóm, chẳng ai xa lạ gì với hoàn cảnh của anh Tính.

Những con dốc ngoằn ngoèo, lởm chởm trên đường vào nhà anh như dễ thở hơn bởi sự trân trọng của mọi người dành cho anh. Nhiều người dân còn sẵn sàng bỏ việc, dẫn tôi vào tận nhà với cái lý quả quyết: "Tính vùng này có ai lạ. Mấy người làm được như thế, khuyết tật mà nuôi được cả con!".


Anh Tính lần bánh xe lăn đón chúng tôi vào căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn, xiêu vẹo. Trong căn nhà ấy, thứ tài sản giá trị nhất là hai chiếc bàn học và góc làm việc đàng hoàng được sắp xếp gọn gàng. Anh bắt đầu câu chuyện về hành trình 10 năm đã qua trong ánh mắt đầy cương trực nhưng có lẽ sự thảng thốt thì chưa bao giờ nguôi ngoai.

Năm 2010, anh Tính bị tai nạn lao động khi đang làm nghề hàn xì. Sau một cú rơi như trời giáng vào ngày mưa, anh bị gãy cột sống. Đó cũng là dấu mốc đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cuộc đời - chàng trai 25 tuổi. Chẳng ai dám và cũng làm sao có thể cất lời để nói cho chàng trai lực lưỡng, khỏe khoắn rằng từ nay anh sẽ trở thành người tàn tật.


Đến 1 năm sau, anh mới biết thông tin. Nhớ về quãng thời gian đó, người đàn ông trước mặt tôi vẫn không thể kìm lòng, dòng nước mắt trong khóe mắt đỏ hoe chỉ trực chờ rơi khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi như đứt đi từng quãng: "Mình không thể tin nổi vào sự thật. Mình đã tập luyện một năm trời với niềm tin hồi phục nhưng mọi thứ dường như không còn thay đổi. Tất cả chi dưới từ thắt lưng đều không còn cảm giác. Điều đó có nghĩa cả cuộc đời này mình sẽ phải gắn với xe lăn, với cuộc sống của một người tàn tật".

Từ khoảnh khắc biết được thông tin đó, anh suy sụp hoàn toàn, đau khổ và chán nản bao trùm. Bốn năm sau đó, anh như đang sống trong địa ngục trần gian bởi tinh thần đã chết. Với một người khuyết tật bẩm sinh thì ít phải chịu biến chứng hơn còn anh Tính thì liên tục phải đối mặt. Không tự chủ được vệ sinh, anh bị sỏi bàng quang, rồi lở loét, hoại tử nhiều chỗ.


Không dưới một lần, người đàn ông ấy đã mong muốn tìm đến cái chết. Muốn chết là bởi cuộc sống thời điểm đó của anh là "sống không bằng chết", "đến hít thở cũng đau nghẹn".

Quyết giành phần nuôi con sau cuộc chia tay lặng lẽ

Năm 2014, tròn 4 năm kể từ ngày gặp nạn, số phận lại một lần nữa thử thách anh Tính. Đang kiệt quệ trong bĩ cực của cuộc sống, người phụ nữ bên cạnh anh suốt những năm tháng hạnh phúc lẫn khổ đau nhất cuộc đời và là mẹ của hai đứa con anh đã rời đi.

Còn thứ gì trên đời đau đớn hơn khi một người đàn ông mất đi bản năng làm chồng. Đó là một phần lý lẽ của người đời để giải thích cho câu chuyện vợ chồng anh chia tay. Nhưng chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu tường tận. Anh hiểu rằng, với một người phụ nữ sẽ khó lòng để có thể chấp nhận một cảnh ngộ như thế. Anh Tính bình tâm chia sẻ: "Thời điểm đó vợ tôi chỉ mới ngoài 20 tuổi. Cô ấy đồng hành với tôi 4 năm đã là quá sức chịu đựng rồi. Cô ấy còn cả một tương lai phía trước!".


Ngày người vợ về nói lời sau cuối, chẳng có một cuộc cãi vã và phân bua nào diễn ra. Anh chị nhẹ nhàng buông tay nhau, nhưng có một điều anh luôn quả quyết đó là anh sẽ dành phần nuôi con. Khi nghe quyết định đó từ anh, chẳng ai có thể hiểu và cũng chẳng ai có thể tin một người "nuôi thân còn chưa xong thì gánh thêm ai". Hẳn rằng ngày ấy, anh vẫn còn trân quý người phụ nữ đó lắm: "Hỏi có đau khổ không thì làm sao mà không đau cho được nhưng mình chưa từng hận vợ. Tôi chấp nhận giải thoát cho cô ấy, như thể cả hai cũng sẽ đỡ khổ tâm hơn".

Sự giải thoát đó, không xuất phát từ một sự cao thượng nào mà chỉ bởi sự thấu hiểu thực sự. Nói về lý do nhận nuôi con, anh chia sẻ rằng: "Với mình đó là tài sản, là hơi thở, là trách nhiệm. Phần vì muốn vợ bớt gánh nặng nhưng phần nhiều mình không chịu nổi khi sống xa các con. Nếu con cũng không còn bên cạnh chắc mình chỉ biết chết đi".


"Nhìn con mà sống sẽ sống được"

Từ ngày vợ rời đi, anh Tính cùng các con bắt đầu một cuộc sống mới. Cuộc sống mà anh phải hoàn toàn tự lập khi thiếu đi bàn tay của vợ. Anh bắt đầu tập làm quen với mọi thứ ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất là tắm giặt, đi vệ sinh và chuyện chăm sóc đứa con út mới lên 5 tuổi của mình.

Cảnh gà trống nuôi con với những người bình thường đã khó với anh Tính càng khó gấp bội. May mắn nhất với anh là giai đoạn này có bố mẹ kề bên để đỡ đần. Tâm sự với tôi, bố anh Tính nói trong nghẹn ngào: "Con đang khỏe mạnh, biết làm ăn thì tự nhiên đổ bệnh. Thân làm bố mẹ, tôi cũng chỉ biết đỡ đần, bảo ban, động viên chứ cũng chẳng biết làm cách nào khác. Chỉ mong các cháu đi học, phát triển cho thoát cảnh này thôi".



Gánh nặng con cái cộng với việc thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ trong gia đình, cân nặng của anh Tính chỉ còn vỏn vẹn 30kg. Nhưng điều quan trọng nhất là ý chí trong anh đã được vực dậy, anh hiểu rằng: "Nếu mình không cố gắng thì các con biết lấy ai làm điểm tựa, ông bà rồi mai này cũng sẽ già yếu. Bản thân mình không khỏe thì tiền đâu mà chữa bệnh".

Anh Tính bắt đầu học cách lái xe lăn. Cũng từ ngày đó, cả xóm Hang Đá chẳng còn xa lạ gì với cái cảnh anh ngã lăn quay ra đường ở một điểm dốc nào đó trong thôn xóm hay trước sân nhà. Thế mà anh cũng thành thục rồi học thêm cả cách lái xe ba bánh. Anh tìm đầu mối, đi đổ hàng nông sản, hoa quả quê lên tận trung tâm huyện. Thế là mấy bố con tự nuôi nhau.



Nói về các con anh Tính chia sẻ: "Bọn trẻ hiểu chuyện nên chẳng bao giờ trách cứ gì cha mà cứ lẳng lặng, cố gắng"

Thấu hiểu được hoàn cảnh, hai đứa con của anh cũng trưởng thành hơn những bạn bè cùng trang lứa. Anh Tính kể: "Có những hôm chở hàng xuống huyện, hai đứa phải ngồi lại bán hàng một mình để bố về chạy tiếp chuyến hàng cho kịp, thế mà cũng hết hàng. Bọn trẻ hiểu chuyện nên chẳng bao giờ trách cứ gì cha mà cứ lẳng lặng, cố gắng".

Đó cũng có lẽ là phần phước lớn nhất của người đàn ông cùng khổ này. "Cứ nhìn con mà sống thì sẽ sống được", đó là tâm niệm của anh.

Hơn 30 tuổi bắt đầu làm lại cuộc đời

Trăn trở lớn nhất của anh Tính là sức khỏe. Làm nghề lái xe ba gác cũng tạm đủ sống nhưng khổ nỗi sức khỏe của anh không cho phép. Hàng loạt các biến chứng đến với anh khiến công việc đó phải dừng lại. Nghe bạn bè mách bảo, lại đọc trên báo đài, anh một mình tìm đường lên Hà Nội, vào học trung tâm Nghị lực sống với quyết tâm sẽ học được một thứ nghề nuôi thân.

Vào trung tâm, gặp những người cùng cảnh ngộ, anh như cởi mở hơn với chính mình, giải thoát được những lo lắng bấy lâu. Anh được tôn trọng, được học nghề và quan trọng nhất anh ngộ ra chân lý: "Người khuyết tật không phải là người bỏ đi. Người khuyết tật vẫn có thể làm tốt những công việc phù hợp với họ". Anh Tính được tư vấn chọn học nghề chỉnh sửa hình ảnh. Với tư chất nhanh nhẹn lại nỗ lực, anh đã thạo nghề và được giới thiệu vào làm tại một công ty thiết kế ở Hà Nội.


Tinh thần tích cực, lạc quan và tâm thế "mình có thể làm được" trong anh bây giờ lúc nào cũng nguyên vẹn.

Làm được sáu tháng, anh lại gặp vấn đề về bệnh lý do di chứng liệt. Không có cảm giác ở các chi dưới, làm việc với cường độ cao khiến toàn bộ phần cơ thể của anh bị loét nặng buộc phải đến viện điều trị.

Khỏi bệnh, anh về quê, tuy không thể quay lại với nghề đã học nhưng tinh thần tích cực, lạc quan và tâm thế "mình có thể làm được" thì vẫn vẹn nguyên. Anh cùng các bạn trong nhóm người khuyết tật lập nhóm tìm công việc. Ít ai mà tin được họ lại có thể trở thành những người làm điều tra và tư vấn về khách hàng cho các nhãn hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Khoảnh khắc có việc làm, đồng tiền được làm ra từ những giọt mồ hôi mải miết trên xe lăn đối với một người như anh đặc biệt lắm. Bởi anh biết, từ nay anh sẽ có thể tự lo được cho chính bản thân mình và những đứa con, anh sẽ không trở thành gánh nặng với mẹ cha.

Hơi ấm và sức mạnh từ trái tim người cha nghị lực

Để đối phó với bệnh tật, anh dành nhiều tiếng trong ngày để tập luyện. Trong một góc nhà anh có hàng chục quả tạ. Có những quả nặng đến 50kg. Một người bình thường khỏe mạnh như chúng tôi nâng còn khó ấy vậy mà một ngày anh dành đến hai tiếng để tập luyện. Chưa hết, anh dùng nhiều giờ để luyện các bài thể dục cho phần trên của mình để tăng sức đề kháng và cải thiện vận động cơ.


Mọi thứ thay đổi như một phép màu, bệnh tật đã thuyên giảm với anh. Vốn mất khả năng tự chủ vệ sinh, anh gò ép và tập cho mình thói quen đi vệ sinh theo giờ trong nhiều năm liền. Dù vẫn phải dùng thuốc nhưng điều quan trọng nhất là số lượt đi viện trong năm đã giảm. Từ 30kg đến nay anh đã nặng 60kg.

Anh Tính cười rằng: "Có lẽ, đã hết giai đoạn kháng sinh "nhập" vào người". Nhưng chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng nhất là anh đã thay đổi về tâm lý, niềm tin mới chính là liều kháng sinh mạnh mẽ nhất để anh vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong hiện tại.

Không chỉ tự lo cho cuộc sống của chính mình, anh còn quan tâm đến những người cùng cảnh ngộ. Anh tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật như trình diễn múa, xiếc bằng xe lăn cho các diễn đàn, các cuộc thi ở Hà Nội. Một năm qua, anh mày mò học quay video, rồi đi khắp nhiều địa hình để hướng dẫn kỹ năng sử dụng xe lăn cho những người mới bắt đầu sử dụng. Nhiều video của anh có đến cả trăm nghìn lượt xem. Nhiều bình luận thán phục, cảm mến và mong muốn được gặp gỡ.


Với anh Tính bây giờ sự trưởng thành của hai con là quan trọng nhất.

Từ ngày vợ rời đi, anh Tính cũng có vài mối quan hệ tình cảm. Người thì đến vì sự tò mò, lòng khâm phục ý chí và nghị lực của anh. Người thì chung cảnh ngộ, mong muốn được bầu bạn. Nhưng anh chỉ biết trân trọng, bởi với anh, sự trưởng thành của những đứa con là quan trọng nhất.

Hai đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của người cha tật nguyền đều là những đứa trẻ biết nghe lời. Tú Phúc và Khánh Phương nhiều năm liền đều là học sinh xuất sắc. Các em là điểm tựa yêu thương của anh Tính. Trong ngôi nhà nhỏ, dù không có nhiều tiện nghi về vật chất nhưng không hề lạnh lẽo bởi hơi ấm thiêng liêng trong trái tim của người cha luôn được lan tỏa và đón nhận.

Chiều miền núi, tối sớm, gió và mưa rừng như lưu luyến chúng tôi. Màn "bốc đầu xe lăn" mà anh đã luyện tập nhiều tháng hứa sẽ biểu diễn tặng chúng tôi không thực hiện được vì trời mưa thì đường sẽ rất trơn. Trong nếp nhà đơn sơ, ba cha con đang chuẩn bị bữa tối đạm bạc với những phần việc được lo sẵn. Anh đang rất lo lắng cho những đứa trẻ thiệt thòi của mình khi không được bằng bạn bằng bè. Nhưng anh tin chúng có một thứ tài sản vô giá, một thứ chẳng gì mua nổi: Hơi ấm từ trái tim người cha nghị lực!

Huy Hoàng - Kỳ An - Gia Đình.Net.Vn