Sức sống xanh của người phụ nữ chỉ sống với "nửa người"

Sức sống xanh của người phụ nữ chỉ sống với "nửa người"

Đã từng muốn tự tay cắt chân cho máu chảy đến chết

Trước mặt tôi là một người phụ nữ tự tin, thông minh và rất năng động, hoạt bát. Nhưng ít ai biết được chị đã từng phải trải qua một quãng đời đầy chông gai và nhiều lần đã nghĩ đến cái chết vì biến cố của cuộc đời. Chị tên là Lương Thị Minh Nguyệt, SN 1972 ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.


Từng là một người khỏe mạnh bình thường với tổ ấm hạnh phúc bên hai đứa con. Chị cũng từng có một công ty về nội thất, dịch vụ xây dựng đang rất phát triển. Thế nhưng, bước ngoặt trong cuộc đời đã làm thay đổi mọi thứ với chị vào năm 2014: Cuộc đời chị gắn liền với chiếc xe lăn.

Chị Nguyệt đã mất đi đôi chân sau một tai nạn.

Chị Nguyệt đã mất đi đôi chân sau một tai nạn.
Chị Nguyệt kể, vào thời điểm đó cuộc đời chị đã chấm hết sau một tai nạn. Cú ngã không may làm chị gẫy xương, xương ấy đã khiến chị đang là một người bình thường thành một người tàn phế khi bị liệt tủy nửa người. Sau 6 tháng chị được ra viện nhưng chẳng thấy tiến triển gì mà cảm thấy nặng nề hơn. Đứng dậy không đứng được, chị biết rằng cơ hội phục hồi của mình rất là khó.

"Khi bác sĩ thông báo cơ hội sức khỏe còn rất ít, chỉ được 30% và phải gắn với chiếc xe lăn suốt cuộc đời, tôi chỉ nghĩ tới các cách làm sao để mình chết. Lúc ở bệnh viện, có nhiều người giống mình, mình vẫn chưa nghĩ điều này. Nhưng khi về đến nhà chỉ còn có một mình mình, trong đầu chỉ nghĩ chết thôi. Cảm giác thấy mình đang mắc bệnh nan y, cuộc sống lúc nào cũng cảm thấy tối tăm, đen đối. Nhiều khi nghĩ đến việc cầm dao cắt chân đi, máu chảy hết rồi sẽ chết" – chị Nguyệt chia sẻ.

Câu hỏi của con gái đã khiến người mẹ bừng tỉnh

Để vượt qua một giai đoạn như vậy với chị Nguyệt là một quãng thời gian vô cùng vất vả. Lúc ấy, thứ duy nhất níu chị lại với cuộc sống chính là cậu con trai đang học lớp 8 và cô con gái mới học lớp 4.

Chị bảo: "Khi tôi nằm một chỗ như vậy điều mà khiến tôi lo lắng nhất là các con còn nhỏ quá, cảm thấy trách nhiệm của mình khi sinh ra các con mình không làm tròn được.

Trở về từ bệnh viện, con gái có hỏi một câu "mẹ còn có cái quần nhỏ để mặc không cho con một cái". Câu nói đó đã thức tỉnh tôi, trách nhiệm của một người mẹ còn rất là lớn. Nếu không có mẹ, con sẽ hỏi ai những điều như thế. Vậy là cố gắng sống, rồi tập dần với cuộc sống mà mình phải có. Khi ổn hơn, phải nghĩ là mình phải sống như thế nào vì đằng nào cũng sống. Vui cũng qua một ngày mà buồn cũng qua một ngày, nếu cứ buồn mãi sẽ ảnh hưởng đến con, không khí gia đình nặng nề. Yêu thương đó đã níu kéo mình lại. Các con cần mình và mình cũng cần các con và phải quyết tâm đứng dậy. Bình ổn lại, tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống của người khuyết tật, tìm hiểu qua mạng rồi kết nối lại với bạn bè tìm sự động viên, giúp đỡ".

Chị Nguyệt bên cậu con trai

Khi đã lấy lại được sự cân bằng, một cú sốc lớn lại tiếp tục đến với chị. Những ngày đầu sau khi ở viện trở về, chị vẫn còn chồng chăm sóc. Một năm sau, những ngày anh ở nhà dần thưa thớt hơn. Vợ chồng bắt đầu trục trặc, anh chị sống ly thân và giờ chỉ còn 3 mẹ con.

Chị Nguyệt bảo, ban đầu chị trách anh đã khiến chị như vậy, trách anh bỏ rơi chị khi chị cần nhất. Sau cùng, chị bình tâm lại và tình yêu thương, sự đồng hành của hai con đã cho chị hiểu ra. Chị chỉ nghĩ rằng việc chăm sóc một người bị chấn thương cột sống vô cùng vất vả khi cần phải can thiệp từ vệ sinh, đặt ống xông… mà anh không chịu nổi nên mới làm vậy. Chấp nhận sự thật, chị buông bỏ, vợ chồng giờ coi nhau như những người bạn cùng nhau chăm sóc con cái.

"Ngọn nến cong" đang cháy hết mình

Trong thời gian nằm trên giường bệnh, điện thoại là thứ bên cạnh và giúp chị quên đi nỗi đau. Chị nhận ra kinh doanh online là thứ phù hợp với sức khỏe của bản thân. Chị dường như đã tìm được "chiếc phao" để đứng lên.

Giờ chị Nguyệt được biết đến là Chủ nhiệm một Câu lạc bộ gồm các thành viên là những người bị chấn thương cột sống ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên. Đó là CLB Chấn thương cột sống Khát vọng thuộc Hội người Khuyết tật thành phố Hà Nội. Năm 2018, chị làm giám đốc một Hợp tác xã mang tên Sức Sống Xanh gồm nhiều các thành viên ở nhiều dạng khuyết tật. Nơi mang hi vọng cho những người khuyết tật cùng nhau đứng lên tìm lại chính mình.

"Ở đó đào tạo bán hàng online, hợp tác xã nhập hàng và bảo trợ cho các thành viên khuyết tật bán. Tất cả các thành viên tham gia đều có nguồn thu nhập. Nhờ đó họ có niềm tin hơn với cuộc sống giống như tôi. Tôi nghĩ khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lí do để người ta chối từ cuộc sống này, mà nó là động lực để thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống mà thôi" – chị Nguyệt nói.

Chuỗi ngày dài đeo đẳng với đau yếu, nhọc nhằn vất vả đã nguôi, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị giờ đây là các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh và chị đã tìm được hướng đi riêng cho mình. Cái tên sức sống xanh không chỉ là cái tên mà câu lạc bộ chị đang làm chủ nhiệm. Đó còn là sức sống của một người chỉ sống với thân hình nửa người phải bất động. Một tâm hồn không chịu lặng yên.
Hợp tác xã của chị Nguyệt làm giám đốc đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người đồng cảnh ngộ

Sau 3 năm thành lập, hiện tại, hợp tác xã của chị có khoảng 50 thành viên bị chấn thương cột sống đồng hành, mỗi tháng thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng. Mọi người cùng có hệ thống nhập hàng từ các đơn vị có kiểm định về phân phối, gồm nông nghiệp sạch như trà, nấm, viên nghệ mật ong hay những mặt hàng Tết… Hợp tác xã của bà chủ ngồi xe lăn ấy tuy nhỏ nhưng luôn ấm áp, tràn ngập tiếng cười. Họ sống lạc quan, luôn ý thức vượt lên số phận.

Kể về việc mở một hợp tác xã về sản phẩm sạch, chị Nguyệt cũng phải mất rất nhiều công sức để "thử nghiệm" các mô hình khởi nghiệp khác nhau. Ban đầu, chị vay vốn ngân hàng, tự đứng ra mở một trang trại chăn nuôi trên mảnh đất gia đình. Thế nhưng, vì sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi viện và áp lực từ việc quản lý tại trang trại, chị Nguyệt đành phải bỏ giấc mơ của mình để tìm hướng khác. Sau đó, chị mở một hợp tác xã chuyên thu nhận, cung cấp các mặt hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền để bán online. Nhiệt huyết của chị đã tiếp thêm niềm tin cho những người đồng cảnh ngộ.

Có thể nói, với người bình thường, khởi nghiệp đã khó, nhưng với những phụ nữ khuyết tật như chị Nguyệt điều đó càng khó hơn nhiều. Họ gặp khó khăn về sức khỏe, nguồn vốn, sự kỳ thị của mọi người vào sản phẩm mà họ làm ra. Thậm chí, ngay chính bản thân họ cũng có tâm lý tự ti, không dám khẳng định mình dù đã có ý tưởng khởi nghiệp.

Chị Nguyệt nói "Khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lí do để người ta chối từ cuộc sống này, mà nó là động lực để thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống mà thôi".

Chị Nguyệt chia sẻ: "Để khởi nghiệp người khuyết tật cần hòa nhập vào cộng đồng trước tiên phải có niềm tin cho bản thân. Niềm tin cho bản thân tức là không dựa vào người thân, mình tự làm cho mình sẽ chia sẻ được với người khác. Muốn đi xa cần phải có đồng đội, cùng nhau đoàn kết mới thành công. Tìm được hướng đi cụ thể, phù hợp với dạng khuyết tật của mình. Nếu điểm xuất phát còn thấp, phụ nữ khuyết tật có thể chia sẻ và nhờ sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội người khuyết tật… để vay vốn, định hướng khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công".

Có người đã từng nói rằng "ngọn nến cong, ngọn nến thẳng khi đã thắp thắp lên đều sáng lung linh". Gặp chị và nghe những biến cố trong cuộc đời chị đã từng bước qua, tôi càng thấm thía hơn. Tôi chợt nhận ra chị, một "ngọn nến cong" vẫn đang rực rỡ cháy hết mình và nghị lực ở chị càng khiến những người bình thường cảm phục hơn.